Phân tích bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu để hiểu rõ hơn về một thời kháng chiến hào hùng của dân tộc. Không khí bịn rịn, nhớ thương của kẻ ở người đi khi Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Việt Bắc chính là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ đã thể hiện được sự gắn bó, ân tình sâu nặng với nhân dân, đất nước trong niềm tự hào dân tộc
Trong bài viết ngày hôm nay Jamo xin chia sẻ một số mẫu bài phân tích Việt Bắc, cảm nhận về bài thơ Việt Bắc để các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập tốt môn Ngữ Văn 12.
I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
1. Tác giả Tố Hữu
– Tố Hữu (1920-2002) sinh ra ở Huế, là nhà thơ tiêu biểu và tiên phong cho nền thơ cách mạng Việt Nam.
Phân tích bài Việt Bắc – Tác giả Tố Hữu
– Thơ ông luôn gắn với những chặng đường kháng chiến của dân tộc, những giai đoạn cách mạng hào hùng đều được tác giả khắc họa lại qua lời thơ của mình.
– Phong cách thơ Tố Hữu mang tiếng nói của dân tộc và sự nghiệp cách mạng với hình ảnh quê hương, con người và đất nước được ông đưa vào thơ ca vừa trữ tình, cũng vừa sâu sắc.
2. Tác phẩm Việt Bắc
2.1. Hoàn cảnh sáng tác
“Việt Bắc” là bài thơ kiệt tác của Tố Hữu, là một trong những thành tựu xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).
Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử hào hùng của dân tộc, sâu chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô Hà Nội rợp đỏ bóng cờ trong ngày hội non sông (10 – 1954), bài thơ “Việt Bắc” là tiếng hát nghĩa tình sắt son thủy chung của mình với ta, của chiến sĩ, cán bộ, đồng bào đối với chiến khu Việt Bắc với cách mạng và kháng chiến, đối với Đảng và Bác Hồ của miền xuôi và miền ngược; là khúc tráng ca anh hùng của một dân tộc thắng trận sau hơn ba ngàn ngày máu lửa.
2.2. Nội dung bài thơ
– Chính thời điểm quan trọng đó, bài thơ được viết nên để thể hiện nỗi lòng của những người chiến sĩ cách mạng phải chia xa núi rừng Tây Bắc thân thuộc để về một nơi căn cứ mới. Những hình ảnh và kỷ niệm đẹp về thiên nhiên và con người ở đây được tác giả thể hiện một cách sống động và đầy chân thực.
2.3. Ý nghĩa tên bài thơ “Việt Bắc”
– Việt Bắc là một địa danh nổi tiếng được mệnh danh là cái nôi của cách mạng Việt Nam, là nơi được lựa chọn làm cơ quan đầu não trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
– Hai từ Việt Bắc còn gợi lên hàng loạt những kỷ niệm ghi dấu ấn cách mạng Việt Nam trong các cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc và gắn liền với những chiến thắng vẻ vang đi vào lịch sử.
– Phân tích bài thơ Việt Bắc để thấy địa danh này còn là cả một bầu trời kỷ niệm của tác giả, là lời nhắn nhủ nhớ thương và trân trọng cùng niềm tự hào, sự thủy chung son sắc với quê hương, xứ sở.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết phân tích Bài Thơ Tự Tình 2 chắc chắn bạn sẽ cần
II. Phân tích bài Việt Bắc
1. Lời nhắn nhủ của người ở lại – Người dân Việt Bắc
a, 8 câu thơ đầu thể hiện tâm trạng chia tay đầy lưu luyến
“Mình về mình có nhớ ta
…
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.”
– Cách xưng hô “mình – ta” ở đây không phải là sự xưng hô thông thường của những đôi lứa yêu nhau hay của những cặp vợ chồng mà là sự tâm tình, thủ thỉ xưng hô của những người cách mạng với những người dân Việt Bắc. => Cách xưng hô thân thiết, gần gũi mà đầy luyến lưu trong giây phút chia tay giống như đôi lứa yêu nhau phải cách xa mà lòng thì không nỡ.
– Nghệ thuật điệp cấu trúc “mình về mình có nhớ” -> đây như một lời ướm hỏi để gợi lại những ký ức về “mười lăm năm ấy” với thiên nhiên và con người Việt Bắc nghĩa tình.
– “Mười lăm năm”: khoảng thời gian từ 1940 các chiến sĩ bắt đầu tham gia cách mạng, chiến đấu hết mình vì nước vì dân trên núi rừng Việt Bắc đến cuối năm 1954 – là thời điểm những người cách mạng quay lại thủ đô, rời xa Việt Bắc.
– Nghệ thuật điệp từ “nhớ”: Thể hiện nỗi nhớ dâng trào da diết, mãnh liệt luôn thường trực trong tác giả.
– “Cây, núi, sông, nguồn” là những hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của Việt Bắc và cũng là hình ảnh gắn liền với người lính trên chặng đường hành quân => Sự thủy chung, son sắc.
– Từ láy “tha thiết”, “bồn chồn”: thể hiện tâm trạng day dứt, bối rối khó tả.
– Hình ảnh “áo chàm”: Nghệ thuật hoán dụ gợi hình ảnh thân thương của con người Việt Bắc.
– “Cầm tay”, “biết nói gì”: Trong giây phút chia xa, mọi người đều xúc động, cảm xúc nghẹn lại nơi cổ họng để rồi không nói nên lời, không biết phải trao nhau những câu nói gì hơn nữa ngoài cái cầm tay đầy yêu thương, luyến tiếc.
=> Phân tích bài Việt Bắc trong đoạn này thể hiện rõ người ở lại mang tâm trạng thiết tha, lưu luyến khiến người ra đi không nguôi nhớ lại quá khứ một thời với những kỷ niệm đẹp bên Việt Bắc.
b, Những kỷ niệm với Việt Bắc trong thời gian kháng chiến
– “Suối lũ”, “mây mù”, “miếng cơm chấm muối” => Qua hình ảnh tả thực về hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, vất vả của những người chiến sĩ lại càng thêm căm phẫn sự xâm chiếm của bọn thực dân Pháp.
– “Trám… để già” => Gợi lên cảm giác đầy trống vắng, thêm nhớ quá khứ một thời sâu đậm.
– “Hắt hiu… lòng son” => Phép đảo ngữ được sử dụng để thể hiện tình cảm của người dân Việt Bắc với chiến sĩ cách mạng, dù nghèo vật chất nhưng giàu tinh thần, luôn son sắt, thủy chung.
– “Mái đình Hồng Thái”, “cây đa Tân Trào”: đây đều là những địa danh nổi tiếng trong lịch sử, nhắc nhớ một Việt Bắc hào hùng, oanh liệt.
Cây đa Tân Trào – địa điểm gắn liền với lịch sử dân tộc
– Đại từ xưng hô “mình” được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần thể hiện sự thân thiết, gần gũi, gắn bó giữa kẻ ở và người đi. Mình ở đây như là một mà có lúc như là hai.
2. Lời của người ra đi – Những người lính
a, Nghĩa tình son sắt, một lòng thủy chung
– Đại từ “mình-ta” được sử dụng linh hoạt: mối quan hệ gắn bó máu thịt, sự thấu hiểu đặc biệt giữa kẻ ở – người đi.
– “Bao nhiêu”, “bấy nhiêu”: từ ngữ so sánh thể hiện rõ tình cảm bao la, vô ngàn giữa người đi – kẻ ở, giữa người lính – Việt Bắc.
b, Nỗi nhớ thiên nhiên, con người Việt Bắc
– Người ra đi nhớ về những khung cảnh thiên nhiên và những kỉ niệm, những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nơi Việt Bắc.
+ Nhớ những khung cảnh thiên nhiên bình dị mà ấm, áp, đó là hình ảnh trăng lên, là hình ảnh nắng chiều, hình ảnh bếp lửa và nhớ cả những địa danh ở nơi đây. “Trăng lên… nắng chiều”: nỗi nhớ như không còn phân biệt được thời gian và không gian nữa khi nó đã bao trùm, nhen nhóm mọi lúc, mọi nơi.
+ Nhớ cho được những ngày cùng sinh hoạt, sẻ chia những khó khăn của cuộc sống, hình ảnh những người mẹ Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó địu con lên rẫy, hình ảnh của những lớp học trong đêm… “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”: Khi gian khó, khi cực khổ thì quân và dân luôn có nhau, luôn đồng hành cùng nhau và hỗ trợ nhau hết mình để cùng nhau đẩy lùi kẻ thù chung của dân tộc. “Lớp học i tờ”, “giờ liên hoan”: chính những kỷ niệm gắn bó ấy đã khiến người đi thêm nhớ, thêm thương, thêm quyến luyến.
+ “Nhớ gì như nhớ người yêu”: Nếu đại từ nhân xưng mình – ta được tác giả sử dụng rất nhiều ở những câu thơ trên thì đến đây tác giả đã ví von ngay cảm xúc nhớ nhung của mình ở mức độ cao nhất như nỗi nhớ người yêu vậy. Người mẹ” hay “cô em gái” đều là hình ảnh quá đỗi thân thuộc và bình dị nơi mảnh đất Việt Bắc anh hùng, họ vẫn đang lao động và đồng kháng chiến với những người chiến sĩ.
Nhớ tới bức tranh tứ bình, nhớ tới “những hoa cùng người”
+ Bức tranh mùa đông: trên cái nền xanh thăm thẳm ấy, sắc đỏ của hoa chuối rừng được điểm xuyết lên và hình ảnh con người xuất hiện với tư thế “dao gài thắt lưng” – con người đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất trời.
+ Bức tranh mùa xuân: ngập tràn sắc trắng của hoa mơ và hình ảnh con người xuất hiện thật tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo với công việc thầm lặng “chuốt từng sợi giang”.
+ Bức tranh mùa hè: âm thanh của tiếng ve như gọi cả rừng phách chuyển sang sắc vàng để đón hè về và hình ảnh “cô gái hái măng” một mình hiện lên trên cái nền thiên nhiên ấy đã gợi ra vẻ đẹp của con người nơi đây, chịu thương, chịu khó và rất chăm chỉ.
+ Bức tranh mùa thu: vẻ đẹp của mùa thu với “ánh trăng hòa bình” và tiếng hát “ân tình thủy chung” với bao nỗi niềm, bao tình cảm yêu mến của con người nơi đây.
– Nhớ về những năm tháng chiến đấu hào hùng, nhớ những ngày tháng cùng nhau đánh giặc: những cuộc hành quân suốt ngày đêm, là “đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Là nhớ những đoàn quân “điệp điệp trùng trùng” cùng những đoàn dân công “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.
– Nhớ về Việt Bắc niềm tin và lời ngợi ca, tự hào về Trung ương Đảng, Bác Hồ.
Xem thêm: Hướng Dẫn Phân Tích Chuyện Chức Phán Sự Đền Tản Viên
c, Bức tranh tứ bình tuyệt đẹp của Việt Bắc
Bức tranh mùa đông
– “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”: sử dụng bút pháp chấm phá: nổi bật trên nền xanh rộng lớn của núi rừng là màu đỏ của hoa chuối (màu đỏ hoa chuối gợi liên tưởng đến hình ảnh ngọn đuốc xua đi cái lạnh của của núi rừng mùa đông) và màu vàng của những đốm nắng.
– “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”: hình ảnh tia nắng ánh lên từ con dao gài thắt lưng gợi dáng vẻ khỏe khoắn, lớn lao của người lao động, với tâm thế làm chủ thiên nhiên, cuộc sống.
Bức tranh mùa xuân
– “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”: màu trắng tinh khôi của hoa mơ tràn ngập không gian núi rừng, thiên nhiên tràn đầy nhựa sống khi xuân về.
– Người lao động hiện lên với vẻ đẹp tài hoa, khéo léo và cần mẫn: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, “chuốt từng sợi giang”: hành động chăm chút, tỉ mỉ với từng thành quả lao động của mình.
Bức tranh mùa hạ
– “Ve kêu rừng phách đổ vàng”: toàn bộ khung cảnh thiên nhiên như đột ngột chuyển sang sắc vàng qua động từ “đổ”
- Có thể liên tưởng màu vàng hòa quyện với tiếng ve kêu tưng bừng, đầy sức sống
- Cũng có thể chính tiếng ve đã đánh thức rừng phách nở hoa.
– “Nhớ cô em gái hái măng một mình”: “cô em gái” – cách gọi thể hiện sự trân trọng, yêu thương của tác giả với con người Việt Bắc, hình ảnh cô gái hái măng một mình thể hiện sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con người Việt Bắc.
Bức tranh mùa thu
– “Rừng thu trăng rọi hòa bình”: ánh trăng nhẹ nhàng chiếu sáng núi rừng Việt Bắc, đó là ánh sáng của “hòa bình”, niềm vui và tự do.
– Con người say sưa cất tiếng hát, mộc mạc, chân thành, có tấm lòng thủy chung, nặng ân tình.
* Đánh giá chung:
– Nêu cảm nhận chung về bức tranh tứ bình: Nghệ thuật tứ bình tạo sự cân đối hài hòa và có tác dụng khắc họa toàn diện vẻ đẹp của đối tượng, bốn bức tranh trên tôn lên giá trị của nhau, không thể tách riêng, chúng là bức tranh tuyệt sắc có sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
d, Phân tích bài thơ Việt Bắc qua cuộc kháng chiến
– “Rừng che bộ đội… vây quân thù” : phép nhân hóa thiên nhiên như lực lượng tham gia kháng chiến.
Hình ảnh bộ đội chiến đấu trong rừng núi
– “Phủ Thông, đèo Giàng” : những địa danh thân thuộc, gắn liền với Việt Bắc
=> Thiên nhiên không vô tri, vô giác mà thực sự đang chiến đấu chống giặc cùng quan và dân ta.
– “Ta cùng đánh Tây”, “cả chiến khu một lòng”, “rầm rập như là đất rung”, “quân đi điệp điệp trùng trùng” -> khí thế vô cùng oanh liệt, mạnh mẽ, sẵn sàng xông pha và chiến thắng.
– “Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”, “dân công đỏ đuốc từng đoàn” => sức mạnh kỳ diệu của tinh thần đoàn kết, một lòng một dạ vì nước, vì dân, vì mục tiêu lý tưởng chung vĩ đại tạo nên một tinh thần và ý chí thép không tưởng..
– “Tin vui thắng trận trăm miền”: Sự chiến thắng là chiến tích vĩ đại nhất mà mọi người cùng chờ đón, niềm vui chiến thắng, sự phấn khởi lan tỏa khắp mọi nơi.
=> Bức tranh sử thi hoành tráng ca ngợi sức mạnh của nhân dân anh hùng.
e, Niềm tự hào và tin tưởng nhắn gửi Việt Bắc
– Câu hỏi tu từ => gợi tình cảm thiêng liêng về núi rừng Việt Bắc.
– “Ngọn cờ đỏ thắm, sao vàng rực rỡ, Trung ương, Chính phủ,…” => Những hình ảnh thân thuộc hiện lên đẹp đẽ, như soi bước chỉ đường cho một tương lai tươi đẹp của dân tộc và đó cũng là điều tác giả gửi gắm trong câu từ bài thơ.
-”U ám” – ”sáng soi” => Khẳng định vai trò to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh trên con đường tìm thấy tự do cho dân tộc.
III. Kết bài
Đặc sắc nghệ thuật
Việt Bắc là một trong những đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tiếng thơ trữ tình- chính trị của Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.
-
Nội dung
– Những bức tranh chân thực, đậm đà bản sắc dân tộc về thiên nhiên và con người Việt Bắc được tái hiện trong tình cảm tha thiết , gắn bó sâu sắc của tác giả.
– Tình nghĩa của người cán bộ và đồng bào Việt Bắc với cách mạng, kháng chiến, với Bác Hồ là những tình cảm cách mạng sâu sắc của thời đại mới. Những tình cảm ấy hòa nhập và tiếp nối mạch nguồn tình cảm yêu nước, đạo lí ân tình thủy chung vốn là truyền thống sâu bền của dân tộc.
-
Hình thức
+ Thể thơ: thể thơ lục bát truyền thống đã được vận dụng tài tình trong một bài thơ dài, vừa tạo âm hưởng thống nhất mà lại biến hóa đa dạng.
+ Kết cấu: lối kết cấu đối đáp trong ca dao dân ca được vận dụng một cách thích hợp, tài tình
+ Những lối nói giàu hình ảnh, các cách chuyển nghĩa truyền thống (so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, ước lệ)
+ Giọng thơ ngọt ngào, tâm tình, cách xưng hô mình- ta quen thuộc trong ca dao khiến bài thơ như một bản tình ca về lòng thủy chung son sắt của người cách mạng với người dân Việt Bắc
Xem Thêm: Phân tích bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu
Việt Bắc là khúc hùng ca và khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Với những phân tích bài Việt Bắc chi tiết và dễ hiểu như trên hy vọng sẽ là sự tham khảo và hỗ trợ đắc lực cho các bạn trong quá trình học bài và làm đề.