Tác phẩm Người lái đò sông Đà là tài liệu văn lớp 12, hướng dẫn các bạn đọc – hiểu tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, từ đó thấy được phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của tác giả, lời ngợi ca của nhà văn dành cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước và người lao động giàu ý chí, làm chủ thiên nhiên. Mời các bạn cùng tham khảo.
Hi vọng rằng những gợi ý dưới đây từ Jamo sẽ là một nguồn tham khảo hữu ích để các bạn học sinh có thể trả lời các câu hỏi trong SGK một cách tốt nhất.
I. Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm:
Bài soạn Người lái đò sông Đà đầy đủ trước hết cần phải có những dòng viết sơ lược về tác giả, tác phẩm.
1.1. Tác giả Nguyễn Tuân:
Tác giả Nguyễn Tuân (1920 – 2002) vốn là người con của vùng đất Hà Thành, ông quê ở làng Nhân Mục, Thanh Xuân, Hà Nội. Con người đời thường và cá tính văn chương của Nguyễn Tuân đều có sự tác động mạnh mẽ từ bối cảnh xã hội (thời Hán học đã tàn) và đặc biệt là người cha tài hoa bất đắc chí của ông.
Một cách cụ thể hơn, Nguyễn Tuân là người có vốn học uyên thâm và tấm lòng yêu nước sâu sắc, tình yêu ấy được thể hiện qua sự gắn bó bền chặt của nhà văn với những giá trị truyền thống của dân tộc. Không những vậy, ông còn là một người có niềm mê say với cảnh sắc của non nước quê hương.
Nguyễn Tuân (1920 – 2002)
Đối với Nguyễn Tuân, viết văn trước hết là để khẳng định cá tính độc đáo của bản thân mình – một người thích sống tự do, phóng túng và không chịu bó buộc trong khuôn khổ của xã hội đương thời. Có lẽ vì yêu thích cuộc sống tự do mà Nguyễn Tuân đã có nhiều chuyến đi thực tế và thu nhặt được nhiều vốn kiến thức giàu giá trị trên rất nhiều lĩnh vực khác ngoài văn học: hội họa, điêu khắc, điện ảnh, sân khấu,…
Xem thêm: Phân Tích Chi Tiết Bài Thơ Đây Thôn Vĩ Dạ theo SGK
1.2. Tác phẩm Người lái đò sông Đà
Tác phẩm được rút ra từ tập “Sông Đà”. Đây là tập tùy bút được ra đời vào năm 1960, tái bản vào năm 1978. “Sông Đà” gồm có 15 bài cùng với một bài thơ phác thảo.
“Người lái đò sông Đà” là văn bản giàu giá trị thông tin. Tác phẩm có vai trò giống như một công trình nghiên cứu cung cấp cho người đọc những hiểu biết chính xác và thú vị về con sông Đà hùng vĩ và trữ tình.
1.3. Bố cục (3 phần)
Phần 1 (từ đầu đến “cái gậy đánh phèn”): Vẻ hung dữ của con sông Đà.
Phần 2 (tiếp đó đến “dòng nước sông Đà”): Cuộc sống của con người trên sông Đà và hình ảnh người lái đò sông Đà.
Phần 3 (còn lại): vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà.
1.4. Tóm tắt tác phẩm Người lái đò sông Đà
Thiên nhiên Tây Bắc được tô điểm bởi con sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình. Từ thượng nguồn sông Đà đã mang vẻ dữ dội của đại ngàn: dựng đá vách thành, chỉ lúc đúng ngọ mới thấy mặt trời; sóng đá dữ dội dàn thành các thạch trận xô nhau liên tiếp, dữ dội hơn trông Đà giang như sôi lên sùng sục, tiếng thác đá ở đây thì như ngàn con trâu mộng giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa. Sông Đà mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình nhất là nhìn từ xa dòng sông tuôn như một áng tóc trữ tình, trong năm, sông Đà có nhiều sự thay đổi theo mùa, mỗi mùa lại có những vẻ đẹp riêng biệt và độc đáo. Dọc hai bên bờ sông Đà có những bãi cỏ xanh non với những đàn hươu non đang gặm cỏ. Trong kháng chiến chống Pháp, Sông Đà là chuyến đường thủy để các cô lái đò Quỳnh Nhai vận chuyển lương thực cho kháng chiến. Sông Đà hiện lên thật hung tợn và dữ dội nhưng thật nhẹ nhàng, thơ mộng. Trên nền thiên nhiên rộng lớn hình tượng người lái đò người dân lao động đặc điểm thân hình cao to, nước da rám nắng, thông thạo trong nghề nghiệp của mình. Ông nắm chắc các qui luật dòng thác, từng vách đá, luồng nước, cửa sinh, cửa tử. Người lái đò sông Đà trước tiên cần sự kinh nghiệm trong nghề nghiệp và sự dũng cảm, gan dạ, những người lái đò là những con người tài hoa, khiêm tốn trong cuộc sống, họ giúp những con thuyền vượt qua khó khăn từ thiên nhiên và về bến an toàn.
II. Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Người Lái Đò Sông Đà
Jamo sẽ hướng dẫn soạn văn Người lái đò sông Đà qua hai phương diện: Vẻ đẹp thiên nhiên sông Đà và vẻ đẹp con người sông Đà.
2.1. Vẻ đẹp thiên nhiên sông Đà hiện lên trong mắt Nguyễn Tuân:
a. Hình dáng con sông qua góc nhìn tác giả:
Vẻ đẹp thiên nhiên sông Đà đầu tiên hiện lên qua hình dáng con sông. Dưới những dòng viết đầu của Nguyễn Tuân, sông Đà mang dáng dấp của một dòng sông hung bạo. Từ trên cao nhìn xuống, tác giả hình dung dòng sông như một “cái dây thừng ngoằn ngoèo” và còn hay “làm mình làm mẩy với con người”. Dòng sông ấy chính là sự kết hợp của những thác nước dữ dội, những quãng sông, những bờ đá dựng thành vách thành cả cái lòng sông thắt hẹp trông giống như yết hầu.
Sông Đà từ trên cao
Thế nhưng, dòng sông hung bạo ấy lại có lúc hiền hòa đến lạ, đã có khi nó “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Hình ảnh ấy thật dịu dàng tựa hồ như có bóng dáng của người thiếu nữ diễm kiều vậy.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết soạn bài Rừng Xà Nu – Nguyễn Trung Thành
b. Màu nước sông được tác giả quan sát
Sông Đà không chỉ đẹp ở dáng hình mà còn bởi sắc màu nước sông vô cùng đặc biệt của nó. Cùng là nước của một dòng sông ấy vậy mà vào những thời điểm khác nhau, màu của nó lại biến đổi với những sắc độ diệu kì. Có khi “dòng xanh ngọc bích” khi xuân đến, lúc lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa” khi thu về.
Những quan sát tinh tế về màu nước của nhà văn Nguyễn Tuân đã cho thấy sự liên tưởng độc đáo của ông đối với những sự vật, hình ảnh ấy. Sắc xanh của dòng nước có lẽ được cảm nhận qua sự tươi mát tràn đầy sức sống của làn mây cao cao. Còn màu đỏ phản chiếu từ mặt nước phải chăng chính là sắc đỏ của phù sa mà con sông phải oằn mình chở nặng để đắp bồi cho bãi biển xanh tốt.
c. Quang cảnh hai bên bờ tuyệt đẹp
Cảnh sắc hai bên bờ cũng chính là một yếu tố góp phần tạo nên vẻ đẹp cuốn hút của sông Đà. Tác giả đã ví von cảm giác hân hoan khi nhìn thấy bươm bướm, chuồn chuồn rập rờn bay lượn trên bãi bờ sông Đà bằng những dòng viết đầy cảm xúc: “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
Không chỉ vậy, tác giả còn diễn tả nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến cổ tích tuổi xưa khi nét hoang dại của quãng sông lặng tờ và đàn hươu ngốn ngọn cỏ gianh đẫm sương đêm hiện diện. Những cảm giác ấy được gọi tên có lẽ vì sợ dây thiện tình của cố nhân và nghệ sĩ.
Từ đấy, ta có thể thấy:
*Sông Đà hùng vĩ, dữ dội với tính cách hung bạo:
– Vách đá dựng đứng, kì vĩ: cảnh đá bờ sông dựng vách thành… sang bờ kia.
– Ghềnh Hát Loóng hung dữ: nước xô đá, đá xô sóng… dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
– Hút nước vừa tráng lệ vừa dữ dội: như cái giếng bê tông… ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi.
– Thác đá: nghe như là oán trách… cháy bùng bùng, đá thác từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông… ngỗ ngược, bệ vệ oai phong, hất hàm hiếu chiến.
– Sông Đà bố trí thạch trận trùng trùng điệp điệp, đòi tóm lấy mọi con thuyền qua sông.
* Vẻ đẹp thơ mộng và tính cách trữ tình:
– Hình dáng dòng sông mềm mại: như cái dây thừng, như mái tóc tuôn dài…
– Màu nước thay đổi theo mùa: xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ.
– Sông Đà gợi cảm, mang vẻ đẹp đa chiều: như cố nhân, như Đường thi,…
– Vẻ đẹp đôi bờ: êm ả, nguyên sơ, tràn đầy sức sống (cỏ cây, những con vật lành, đàn cá…)
=> Nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Đà: ngôn ngữ điêu luyện, giàu chất tạo hình; so sánh, liên tưởng độc đáo, táo bạo; tiếp cận con sông dưới phương diện cái đẹp, cái tôi trữ tình dạt dào cảm xúc; vận dụng tri thức của nhiều lĩnh vực; giọng điệu phóng khoáng.
=> Ý nghĩa của hình tượng sông Đà: đại diện cho vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, đóng vai trò như bức phông nền kì vĩ, làm nổi bật tài nghệ chèo đò, vượt thác của ông đò.
2.2. Vẻ đẹp người lái đò sông Đà
a. Vẻ đẹp ngoại hình
Tùy bút Người lái đò sông Đà không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn cuốn hút bởi vẻ đẹp của người lái đò sông Đà. Trước hết, người lái đò sông Đà xuất hiện với vẻ đẹp ngoại hình. Ông là người con mang dáng vẻ đặc trưng của miền sông nước Tây Bắc. Người lái đò ấy xuất hiện với cánh tay lêu nghêu, đôi chân khuỳnh khuỳnh, giọng nói ào ào và nhãn giới thì vòi vọi. Ở ông còn toát lên sự mạnh mẽ, rắn rỏi của con người gắn bó bền lâu với đất trời, thiên thiên nơi đây bởi những dấu vết in hằn ấy.
Con người vùng sông Đà
– Ông lái đò sinh ra đã gắn bó với dòng sông Đà. Tuổi ngoài 70 nhưng thân hình vạm vỡ như chất sừng mun, giọng nói vẫn khỏe, cặp mắt vẫn tinh tường. Có thể nói ông lái đò là con người của sông nước.
– Ông là người hiểu biết sâu rộng về dòng sông:
+ Đó là một người lái đò lão luyện: “Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần…” trong thời gian hơn chục năm làm cái nghề đầy nguy hiểm và gian khổ này.
+ Ông hiểu biết sâu rộng và rất thành thạo, thành thạo đến mức sông Đà “đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng. Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần… Cho nên ông có thể bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở.”
+ Ông có trình độ lái đò hết sức điêu luyện và là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Giờ đây khi đã rời xa nghề chèo đò nhưng ông vẫn hoài niệm về những ngày tháng gian nan mà vui vẻ đó.
Xem thêm: Hướng dẫn soạn Bình Ngô Đại Cáo phần 1 chi tiết nhất
b. Vẻ đẹp tính cách, tài năng
Không chỉ đẹp vẻ đẹp ngoại hình mạnh mẽ, người lái đò ấy còn có vẻ đẹp linh hoạt về tài trí và sự hào hoa của một người nghệ sĩ. Đối với người lái đò, sông Đà “như một bản trường ca mà ông đã thuộc lòng, thuộc đến cả dấu chấm xuống dòng” thế nên ông có khả năng “nhớ như đóng đanh vào lòng tất cả những nguồn nước, con thác” và nằm lòng cả quy luật phục kích, binh pháp của thần sông và thần đá.
Ở người lái đò, nổi bật hơn cả có lẽ là sự dũng cảm, khôn ngoan, nhất là những lúc ông chỉ huy con thuyền của mình vượt qua những trùng vi, thạch trận. Mỗi trùng vi, thạch trận ấy là mỗi một thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ông lái đò bộc lộ tài năng, vẻ đẹp của mình.
Ở trùng vi đầu tiên, mặc những hòn đá hung dữ “chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền” và “quyết tâm tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân thác”, mặc cho sóng thác “thúc gối vào bụng vào hông thuyền” thì ông lái đò vẫn không hề nao núng. Ông vẫn lèo lái con thuyền vượt các cửa tử để lướt đúng vào luồng sinh.
Đến trùng vi thứ hai, bằng sự dày dặn kinh nghiệm, ông lái đò đã giúp con thuyền “tả xung hữu đột” lướt qua tập đoàn cửa tử một lần nữa khiến lũ đá phải “tiu nghỉu cái mặt xanh lè” vì thất vọng, dù trước đó con sông đã chuẩn bị sẵn “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá” với “bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”.
Trùng vi cuối cùng xuất hiện và như dồn hết sức để đánh gục người chỉ huy tài ba. Tuy nhiên, sự mưu trí cùng chất vàng mười đã qua nhiều lần thử lửa ở ông lão đã giúp con thuyền của ông “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước” và hoàn thành những thử thách mà thần sông đặt ra.
Qua hình tượng sông Đà và người lái đò, Nguyễn Tuân muốn thể hiện niềm yêu mến thiết tha với thiên nhiên đất nước và ngợi ca những con người lao động – chất vàng mười của cuộc sống. Tóm lại, việc tìm hiểu tùy bút Người lái đò sông Đà có thể giúp các bạn không chỉ có cơ hội học – hiểu về tác giả Nguyễn Tuân mà có thể phần nào cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc qua hình ảnh dòng sông Đà và người lái đò sông Đà.